Khi xây nhà, ngoài công tác chống thấm khá quan trọng, mọi người còn thường quan tâm và lo lắng đến hai vấn đề sụt nền và nứt tường. Đây là hai việc thường dễ xảy ra và nếu đã xảy ra thì rất khó khắc phục. Vậy nguyên nhân xảy ra hiện tượng sụt nền và nứt tường là do đâu?

nut tuong sut nen 1
Những vị trí thường sẽ bị nứt đầu tiên

Biểu hiện chung của vấn đền là tình trạng tường xuất hiện các vết nứt dài hay ngắn. Đối với những công trình nứt chân chim (những vết nứt nhỏ và ngắn ở những vị trí tiếp xúc nhạy cảm với môi trường: sân thượng, bếp...) bạn không nên lo lắng, vì đó là chuyện bình thường trong xây dựng, không ảnh hưởng tới tính an toàn của công trình. Sau một thời gian khoảng 3 đến 5 tháng chỉ cần trét bột và lăn sơn lại vị trí nứt là xong.

nut tuong sut nen 2
Những vết nứt chân chim không đáng lo ngại

Điều bạn nên quan tâm thật nhiều và rất đáng lo ngại là những vết nứt lớn. Khi đó ta nên tìm nguyên nhân của những vết nứt này từ đâu? Và do lỗi của của ai? Chắc có thể bạn đang nghĩ tất cả do lỗi của thi công hoặc do thiết kế. Đúng vậy, phần lớn lỗi đến từ phía thi công hoặc thiết kế, nhưng đôi khi trong một số trường hợp, nguyên nhân cũng xuất phát từ phía chủ đầu tư.

nut tuong sut nen 3
Lún, sụt sẽ dẫn đến công trình bị nứt hoặc có thể nghiêng

Chúng ta cùng tham khảo một số nguyên nhân chính sau:

Nguyên nhân thứ nhất: do thiết kế tính toán sai kết cấu của cột, dầm, sàn

Thông thường do không khảo sát địa chất nền đất xây dựng công trình hoặc báo cáo khảo sát địa chất sai. Hoặc có khảo sát địa chất nhưng tính toán thiết kế kết cấu sai như không tính đủ tải trọng của công trình (tải trọng tĩnh và tải trọng động), tính sai kết cấu móng…

Đối với nhà dân dụng quy mô nhỏ, rất ít người bỏ ra một số tiền không nhỏ để khảo sát địa chất. Do đó đơn vị thiết kế thường dựa vào kinh nghiệm và đôi khi là thực tế những công trình kề bên đã thi công để đưa ra quyết định cho giải pháp kết cấu móng. Cách làm này phần lớn đều có thể sử dụng được, chỉ một số ít trường hợp đặc biệt dẫn tới việc lút sụt nền mà chúng ta sẽ đề cập tới một trường hợp cụ thể để minh họa tại phần sau của bài viết này.

Nguyên nhân thứ hai: do thi công không đúng kĩ thuật, sai bản vẽ thiết kế

Ở lỗi này phần lớn do biện pháp thi công không đảm bảo hoặc không phù hợp. Tay nghề và chuyên môn của thợ cũng là một nguyên nhân gây ra lỗi này. Không thể chắc chắn người thợ thi công nhà cao tầng thì sẽ thừa khả năng làm nhà dân dụng. Đây là sai lầm không phải của ít người. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tương tự như ví dụ sau xảy ra: 02 công trình nhà phố nằm kề nhau, công trình làm trước khi thi công nền đất cứng, đảm bảo chịu lực kết cấu móng băng cho công trình. Tới công trình kề bên khi thi công, đơn vị thiết kế cũng yên tâm thiết kế kết cấu chịu lực móng băng. Sau khi thi công đúng bản vẽ, công trình đã bị lún, nứt nghiêm trọng.

Vậy lỗi do đâu? Bạn hãy tưởng tượng từ rất lâu nền đất trên nằm ở vị trí hố rác, ao hồ, kênh rạch… sau bao năm được lấp lại, hai công trình vô tình nằm trên ranh giới và hiển nhiên nền đất hai bên sẽ khác nhau hoàn toàn. Vậy làm sao để tránh khi gặp trường hợp tương tự như thế này. Một lời khuyên dành cho bạn hãy báo về đơn vị thiết kế ngay khi đào móng thấy nền đất không an toàn để có giải pháp kết cấu móng thay đổi phù hợp.

Nguyên nhân thứ ba: do Chủ Đầu Tư tiết kiệm hoặc sử dụng sai công năng so với thiết kế ban đầu

Có rất nhiều Chủ Đầu Tư khi thấy nhà bên cạnh cũng làm lớn như nhà mình chỉ làm móng băng thì yêu cầu đơn vị thiết kế móng băng chỉ vì lý do đơn giản: tiết kiệm. Cũng có nhiều người khi thiết kế là nhà ở, nhưng trong quá trình sử dụng đã chuyển đổi công năng thành kho chứa hàng, sàn nhảy, … Đây là một số những ví dụ điển hình thường gặp

Trên đây là chia sẻ về những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng lún, nứt trong công trình dân dụng thường thấy. Hi vọng bài viết mang lại một số kiến thức hữu ích để bạn tham khảo.


Sưu tầm



XEM THÊM:

- Tại sao phải khảo sát địa chất công trình?

- Các bước tiến hành khảo sát địa chất

- Sản phẩm, thời gian và chi phí khảo sát địa chất công trình

- Quy trình khoan khảo sát địa chất công trình

- Công tác nghiệm thu ngoài hiện trường

- Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình

- Những sai sót trong công tác khoan khảo sát địa chất

...  Tài liệu khác


  • Chia sẻ :