Đường Trường Sơn Đông được Chính phủ phê duyệt xây dựng dài 671km, đi qua 7 tỉnh, bắt đầu từ Quảng Nam và Lâm Đồng là điểm kết thúc. Do thiết kế không phù hợp, không khảo sát địa tầng, thủy văn đất, đoạn qua tỉnh Gia Lai đã bong tróc, sụt lún và rách nát. Trước tình thế nguy cấp, UBND tỉnh Gia Lai phải có công văn gửi Bộ Quốc phòng sớm chỉ đạo nhà thầu khắc phục. 
 

 Sập cầu tại rạch cầu sa
Tại huyện Kông Chro,
tuyến đường Trường Sơn Đông hư hỏng rất nặng.

Vừa bàn giao... là hỏng

Đầu tư bằng nguồn vốn Chính phủ, tuyến Trường Sơn Đông (TSĐ) xây dựng đi qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Với mục đích phòng thủ quốc gia, phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào thiểu số các tỉnh, Ban Quản lý dự án 46 thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư. 10.015 tỉ là tổng mức đầu tư toàn tuyến, năm 2006 khởi công, năm 2015 dự kiến sẽ hoàn thành.

Tại Gia Lai, tuyến TSĐ có chiều dài 247km đi qua 6 huyện, thị xã chiếm hơn 1/3 tổng số vốn, trên 3.000 tỉ. Theo UBND tỉnh Gia Lai, được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2013 - 2014 nhưng đến nay một số đoạn đường đã hư hỏng. Quá trình kiểm tra, Sở GTVT Gia Lai phát hiện nhiều điểm bong tróc, sụt lún, mặt đường bị biến dạng, nghiêm trọng nhất là ở hai huyện Kông Chro và Ia Pa.

Tại hiện trường, PV Lao Động nhận thấy các điểm bong tróc, lớp nhựa được thi công rất mỏng, có thể dùng tay móc đá dăm ra khỏi mặt đường. Nhiều đoạn sụt lún, từng mảng nhựa vỡ vụn với bề rộng 3-4m, mặt đường bị phá vỡ hoàn toàn. Tại xã An Trung (huyện Kông Chro), chỉ một đoạn đường dài 1km nhưng lại có đến không dưới 50 mảng vá chằng chịt, chắp nối. Đơn vị thi công càng vá càng hỏng, sửa chữa chỗ này lại hỏng chỗ khác trên cùng một tuyến.

Không coi trọng thiết kế, khảo sát

Tại huyện Ia Pa, đường TSĐ hư hỏng thê thảm, tan hoang, nhựa không kết dính đất đá trông rất nham nhở. Từng mảng đường đua nhau sụt lún, thêm vào đó, nhà thầu cho người bóc tách các điểm hư nhưng không chịu sửa chữa đã tạo thành hố “bẫy” người đi đường. Người dân lắc đầu, ngoài bụi bặm, nhiều vụ tai nạn cũng đã xảy ra, thậm chí là chết người vì đường xấu. Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ia Pa - Hoàng Hồng Tú cho biết, việc hư hại diễn ra ngay trong quá trình thi công. Đường TSĐ đi qua 3 xã Pờ Tó, Chư Răng và Kim Tâm thì đều bị hỏng nhiều chỗ ở cả 3 xã.

Trao đổi với PV Lao Động, Phó GĐ Sở GTVT Gia Lai - Lê Văn Hạnh cho biết, việc hư hại của tuyến đường là do hai yếu tố chủ quan và khách quan. Chủ quan là vùng giáp ranh giữa huyện Kông Chro và Ia Pa có địa chất, thủy văn rất phức tạp, có thể trong quá trình khảo sát, thiết kế chưa đánh giá hết tình hình phức tạp từ đó đưa ra các giải pháp kết cấu không hợp lý.

“Cụ thể, ở tuyến đường này là phải dùng kết cấu bêtông ximăng nhưng chủ đầu tư lại dùng kết cấu bêtông nhựa thì mùa mưa rất dễ hư hỏng từ nền móng đến mặt đường, nhất là những đoạn không nâng tôn nền”, ông Hạnh thẳng thắn. Khách quan là, sau khi tuyến đường đưa vào sử dụng thì lưu lượng vận tải của xe trọng tải nặng (xe chở mía, mì) khá nhiều, lại không được kiểm soát chặt chẽ nên góp phần làm hỏng tuyến đường.

“Tầng đất ở huyện thì dùng bêtông ximăng thôi, chứ bêtông nhựa thì hư liền”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kông Chro - Trần Biểu khẳng định.

Đề nghị sớm khắc phục

Trước tình trạng tuyến đường xuống cấp và hư hỏng quá nhanh, UBND tỉnh Gia Lai đã gửi công văn số 3380/UBND-CNXD đề nghị Bộ Quốc phòng sớm chỉ đạo nhà thầu sửa chữa, khắc phục ở các gói thầu có kết cấu mặt đường bêtông nhựa. Thảm thêm lớp bêtông nhựa nóng dày 5cm phủ lên lớp bê tông nhựa 7cm hiện có trên toàn tuyến. Ở cấp độ quản lý trực tiếp, Sở GTVT Gia Lai cũng đã có văn bản số 1206/SGTVT-QLKCHTGT đề nghị Ban Quản lý dự án 46 chỉ đạo nhà thầu đào sửa chữa “ổ gà” phải hoàn trả ngay, không để tình trạng đào khuôn đường mà không xử lý gây mất an toàn giao thông, bố trí các biển báo giao thông trong quá trình thi công. Văn bản của Sở GTVT Gia Lai cũng nêu thực trạng, dù đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu Ban Quản lý dự án 46 chỉ đạo nhà thầu đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình sửa chữa nhưng đơn vị thi công vẫn chưa nghiêm túc thực hiện.

Với thực trạng đã xảy ra ở Gia Lai, nếu chủ đầu tư không có động thái điều chỉnh việc khảo sát, thiết kế phù hợp với khí hậu, địa chất của vùng miền Trung - Tây Nguyên thì việc hư hỏng hàng loạt trên toàn tuyến sẽ là nhãn tiền.


Nguồn:  Internet

 


XEM THÊM:

Tòa nhà 4 tầng mới sơn đã nghiêng ra sau 2 - 3 độ 

Nhà nghiêng hàng chục hộ dân sơ tán

Nhà nghiêng do thi công kém

 



 

  • Chia sẻ :