Ngày 03/01/2009

Ẩn sâu dưới lòng đất là nơi mà không ai biết chắc khi “ăn cơm dương gian, nói chuyện âm phủ”.

Sau khi hàng loạt sự cố liên quan đến các công trình xây dựng ngầm tại TP.HCM xảy ra, giới chuyên môn vỡ lẽ: Hiểu biết về lĩnh vực này quá ít.

Sập, lún hàng loạt

Đi qua hầm chui Văn Thánh 2 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), người đi không khỏi ngoái nhìn dãy nhà hai tầng nằm bên cạnh cầu đang nghiêng hẳn ra phía đường.

 

 Sự cố sập Viện Khoa học xã hội nhân văn khu vực Nam Bộ (TP.HCM). Ảnh: Trần Duy

Đây là ba căn nhà cùng số A17/2 đường Phú Mỹ, P.22 do ông Trần Đức Anh làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, ngôi nhà chỉ còn “xác” với những vết nứt dọc ngang. Gần như toàn bộ kết cấu đà, móng của ngôi nhà đã hư hại nghiêm trọng.

Những nhân khẩu sống trong ngôi nhà này đã buộc phải di dời ra khỏi nơi đây từ lâu để tránh nguy cơ ngôi nhà nghiêng sẵn sàng sập bất cứ lúc nào.

Bản thân hầm chui Văn Thánh 2 và tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đang lún nghiêm trọng. Trong suốt gần 6 năm qua, không một nhà khoa học nổi tiếng nào có thể đưa ra kết luận cuối cùng bao giờ hầm chui Văn Thánh 2 và toàn tuyến đường “tắt lún”. Dự đoán chung nhất chỉ có thể là hầm chui Văn Thánh 2 sẽ tắt lún đến khi lớp địa chất dần ổn định.

Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT TP.HCM, cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn đều đặn bù lún ở hai đầu đường dẫn lên cầu Văn Thánh 2. Hàng ngày, có không ít người điều khiển xe gắn máy đi qua cây cầu này bị “đo đường” do quá bất ngờ, không làm chủ được tay lái vì cao độ chênh lệch giữa cầu và đường dẫn lên cầu.

Vào thời điểm 2002, khi dự án này “khởi động”, hàng chục căn nhà kế cận công trình đã bị nứt, sập. Hàng chục hộ dân phải di dời ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống tạm cư trong suốt nhiều năm trời. Đến nay, hậu quả này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong những cuộc hội thảo khoa học chuyên đề về hầm chui cầu Văn Thánh 2, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân lún, nứt hầm chui, dẫn đến hư hỏng cầu Văn Thánh 2 là do các bên liên quan trong dự án này, từ đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, chủ đầu tư... đã không lường hết mức độ lún của địa chất tại khu vực thi công.

Gần đây nhất, vào 9/10/2007, dãy nhà làm việc của Viện Khoa học Xã hội nhân văn khu vực Nam Bộ (43-47 đường Nguyễn Thi Minh Khai, Q.1) bất ngờ đổ sập do “hàng xóm” là công trình xây dựng tầng hầm của tòa nhà cao tầng Pacific gây nên. Nguyên nhân được chỉ ra sau đó là do trong quá trình thi công, công nhân đào trúng mạch nước ngầm làm xói mòn nền móng tòa nhà Viện Khoa học Xã hội nhân văn khu vực Nam Bộ dẫn đến đổ sập.

Dư âm của vụ Pacific chưa lắng đọng thì đến 31/10/2007, chung cư số 5 Nguyễn Siêu lún do ảnh hưởng của việc đào móng thi công cao ốc Saigon Residences nằm sát cạnh.

Tiếp đó, 11/2007 khoảng 13 hộ dân phường 22 sống xung quanh khu vực thi công chung cư cao cấp Daewon Hoàn Cầu (56/11/8 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh) phải di dời khẩn cấp vì nhà cửa rạn nứt, nghiêng, lún do ảnh hưởng của việc thi công chung cư cao cấp này.

Anh Lưu Đức Thắng (48/10 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh) - một trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố xây chung cư cao cấp Daewon Hoàn Cầu cho biết, đến nay, trường hợp của anh vẫn đang chờ tòa phân xử. Hiện nhà anh Thắng bị các nhà kế bên đè nghiêng sang. Anh Thắng cho biết, nếu sửa chữa thì buộc phải phá dỡ căn nhà và nâng một căn nhà khác bên cạnh mới có thể nâng nhà anh đứng trở lại.

"Bẫy địa chất"

Theo TS Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, việc xây dựng tầng hầm là nhằm giải quyết bài toán thiếu đất xây dựng trong quá trình cải tạo, xây chen và nhu cầu sử dụng tầng hầm trong các công trình nhà cao tầng.

Tuy vậy, riêng tại TP.HCM là nơi hội tụ khá đầy đủ các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên sự cố như: nền đất yếu và khá dày; mực nước ngầm cao; các công trình liền kề được xây dựng trên nền móng nông; tốc độ xây dựng cao, do vậy quản lý bị dàn trải...

Ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM nói rằng. những sự cố về lún, sập, liên quan đến xây dựng các công trình ngầm là do “bẫy địa chất”.

Ông Thắng giải thích, dưới các lớp đất sâu ở đâu cũng thường có những cái “bẫy địa chất”. Đó là những khoảng không gian hữu hạn ẩn giấu trong các địa tầng mà các phương pháp khảo sát thiết kế thông thường khó phát hiện và nhận biết đầy đủ. “Nó luôn luôn chực chờ để bất ngờ chuyển đổi trạng thái, giải phóng năng lượng, gây ra tai họa rủi ro” - ông Thắng nói. “Mọi lý thuyết và phương pháp điều tra khảo sát địa chất đều là suy đoán gián tiếp từ trên mặt đất, chỉ khi đào ra mới tiếp cận được đầy đủ sự thật”.

 

Hậu quả của việc thi công hầm chui Văn Thánh 2 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Trần Duy

Ông Thắng cho rằng, trên thực tế hiện trường xây dựng công trình vẫn thường gặp phải những tình huống rủi ro khó lường trước được. Phạm vi sự cố rủi ro xảy ra rất rộng, từ các công trình nhà ở của hộ dân cư nhỏ lẻ, đến các móng nhà cao ốc cũng như các công trình xây dựng cầu đường...

Điều đặc biệt là trong việc xây dựng công trình đô thị, các công trình lân cận luôn tác động, hỗ trợ lẫn nhau, làm phản áp, đối trọng nhau. Nếu phá vỡ ngôi nhà đi có thể làm phá vỡ cân bằng cả khu nhà xung quanh. Nếu đào móng có thể gây ra xáo trộn nứt lún nhà hàng xóm...

Tại buổi hội thảo khoa học về “Công trình xây dựng có phần ngầm và bài học từ các sự cố” vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, có thể phòng tránh sự cố ngay từ đầu nếu các bên liên quan trong một dự án xây dựng công trình, đừng vì lợi ích riêng mà bất chấp tất cả.

“Vì muốn có giá thành rẻ nên chủ đầu tư chọn thầu thông qua quen biết rồi móc nối thậm chí tự tổ chức thi công khi chưa có kinh nghiệm mà không thuê tư vấn quản lý dự án...” - ông Hiệp vạch trần những “mánh khoé”- nguyên nhân dẫn đến sự cố trong các công trình xây dựng.

Tin - Vnn

  • Chia sẻ :